Lang Nha Bảng

Chương 53: Nghi thức tế lễ

/56


Theo pháp luật Đại Lương, hàng năm xử tử tử tù vào hai mùa cố định xuân và thu, gọi là ‘Xuân quyết’ và ‘Thu quyết’. Hà Kính Trung biết con mình không thể thoát tội, chắc chắn bị tuyên án tử nên tới thỉnh cầu Tề Mẫn kéo dài thời gian định án, chờ tới sang Xuân mới phán để con trai được sống thêm ít lâu, hi vọng xuất hiện cơ hội lật ngược thế cờ.

Thế nhưng chủ ý này của Hà Kính Trung sao có thể qua mắt Văn Viễn Bá. Ông đang nắm trong tay nhân chứng quan trọng, dư luận kinh thành cũng nghiêng về phía ông ta, vì thế ông càng cương quyết, ngày đêm thúc ép bộ Hình, buộc phải thăng đường xét xử.

Mấy ngày trước Thái tử mất Thượng thư bộ Hình Lâu Chi Kính, nay được dịp trả thù, há dễ dàng buông tha? Hằng ngày, Thái tử phái thủ hạ mình là Ngự Sử tới xem xét, trách mắng Tề Mẫn lười biếng, chậm trễ công việc, giấu án không xử. Ngày này qua ngày nọ, cuối cùng bộ Hình không chịu nổi áp lực, Dự vương cũng hiểu một khi đã quyết định giết, có để sống thêm nửa năm cũng chẳng ý nghĩa gì nên ngầm đồng ý cho Tề Mẫn hành động. Bởi vậy chưa được mấy hôm Tề Mẫn đã thăng đường xét xử, điểm nhanh qua nhân chứng vật chứng một lần, phán Hà Văn Tân hận thù cá nhân ra tay đánh chết người, kết án chém đầu.

Án tử vừa phán, hôm sau Hà Kính Trung đã ốm liệt giường, Thái y chuẩn đoán tinh thần kiệt quệ, khí huyết không thông, cần phải tĩnh dưỡng.

Thời điểm này là cửa ải cuối năm, bộ Lại bắt đầu tiến hành đánh giá thành tích các quan để xem xét thưởng phạt. Không ít quan viên các nơi đều nhân dịp tết, phái người đưa lễ vật mừng năm mới tới kinh thành. Không thiếu các ứng viên cho các vị trí còn khuyết không tiện công khai hành động cũng tranh thủ cơ hội, lấy danh nghĩa chúc tết nhằm tạo mối quan hệ. Vì mục đích gì đi nữa thì đây cũng là giai đoạn bộ Lại bận rộn nhất, vậy mà Hà Kính Trung lại ngã bệnh ngay lúc này làm cục diện nhất thời rối cả lên.

Giống như Thái tử, các khoản lợi lộc chính đều bắt nguồn từ bộ Hộ, phần lớn tiền tài của Dự vương đều đến từ việc luân chuyển nhân sự ở bộ Lại. Cửa ải cuối năm bao giờ cũng là dịp hốt bạc, năm nay cũng như thế, không vì Thượng thư bộ Lại bệnh mà bị ảnh hưởng.

Mọi việc cuống cuồng lên trong khi Hà Kính Trung bị chuyện của con ông ta đả kích chứ không phải giả bệnh, an ủi, trách mắng lớn nhỏ đều không có ích, ông ta không thể phấn chấn lên. Mắt thấy tình huống ngày càng căng, Dự vương không thể không triệu tập đám mưu sĩ cùng nhau thương lượng, chuẩn bị ứng phó những chuyện phát sinh sau này.

Hai ngày sau, Dự vương đích thân đến phủ Thượng thư của Hà Kính Trung, sau khi đuổi hết những người có mặt ra ngoài, hắn thân thiết an ủi, khuyên nhủ vị thuộc hạ một phen. Không ai biết hắn đã nói với ông ta những gì. Mọi người chỉ biết sau vài ngày bệnh tình của Hà Kính Trung liền chuyển biến tốt, có thể trở lại xử lý công vụ, hơn nữa giải quyết mọi việc mau mắn, nhanh chóng ổn định rối loạn. Mỗi ngày ông ta đều chân không chạm đất, chuẩn bị kỳ thi hàng năm, tiếp kiến quan lại, thường xuyên bận rộn đến tận đêm khuya như muốn liều mạng vì chủ tử làm việc, bày ra bộ dáng hóa đau thương thành sức mạnh, làm cho đám người Thái tử bên kia có chút mơ hồ khó hiểu.

Tuy nhiên, hiện giờ Thái tử chẳng có tâm trạng chú ý nhiều đến Hà Kính Trung, toàn bộ tinh thần của hắn đều dồn cả vào một sự kiện khác, mà sự kiện này trước mắt đang gây không ít khó khăn cho bộ Lễ.

Cuối mỗi năm, hoàng thất đều có một sự kiện quan trọng là tế lễ. Tế tổ, tế thiên, tế thần. Đối với triều đình và hoàng tộc thì nghi thức tế lễ thành công hay không sẽ quyết định các đại sự năm sau có thuận lợi hay không, vì thế không thể để làm qua loa dù chỉ một chút.

Tạ Ngọc nhận thức sâu sắc được đây sẽ là một cơ hội vô vàn có lợi cho Thái tử.

Ấn theo Lương lễ , nội cung dưới cấp Phi không được tham gia tế lễ, chỉ có thể quỳ ở bên ngoài. Theo nghi thức, sau khi Thái tử rưới rượu bái tế trời đất sẽ phải quỳ xuống vuốt váy áo cha mẹ, biểu thị chữ hiếu.

Mâu thuẫn phát sinh ở đây. Việt thị đã bị giáng xuống làm Tần, song bà lại là mẹ đẻ của Thái tử, một mặt địa vị thấp kém, một mặt khác mang thân phận cực tôn quý, khiến bộ Lễ sắp xếp thủ tục tế lễ khó xử trăm bề.

Tạ Ngọc âm thầm đề nghị Thái tử, nhân thời cơ này vào cung gặp Hoàng đế khóc lóc ăn năn, thỉnh cầu phục vị cho mẫu phi, cho dù không thể khôi vụ phẩm vị Quý phi cao quý thì ít nhất cũng giành lại vị trí chủ một cung, có chỗ ở riêng biệt, có thể giữ Hoàng đế ngủ lại qua đêm, từ từ cứu vãn Thánh tâm.

Thái tử hiểu ý, mừng rỡ hân hoan, chuẩn bị thật chu đáo rồi vào cung gục trước gối Lương đế khóc lóc thảm thiết suốt một canh giờ, sống chết bày tỏ tấm lòng hiếu thảo.

Lương đế có chút khó xử, Việt thị vốn là phi tử ông sủng ái nhất hậu cung, không phải ông chưa từng nghĩ mượn cơ hội này ân xá cho bà. Nhưng Việt thị chỉ mới bị phế truất mấy tháng, nay dễ dàng miễn tội, lo Quận chúa Nghê Hoàng sẽ không hài lòng.

“Phụ hoàng, về phía quận chúa con đã đích thân tạ lỗi bồi thường.” Được chỉ điểm từ sớm, Thái tử biết Lương đế đang do dự điều gì nên lập tức ôm chân ông nói, “Quận chúa thông minh đại lượng, nhất định nàng hiểu được tất cả đều vì nghi thức tế lễ cuối năm. Nhi thần nguyện thay mẫu thân đến gặp quận chúa thỉnh trách phạt, thay mẫu thân chuộc tội.”

Lương đế thấy hắn nức nở, trong lòng có chút dao động, liền sai người triệu kiến Thượng thư bộ Lễ Trần Nguyên Thành. Trần lão Thượng thư là nguyên lão hai triều, xưa nay không nghe lời êm tai, không nhìn người, chỉ khư khư một chữ ‘Lễ’. Thái tử và Dự vương gây áp lực độ nào, ông ta cũng không mảy may dao động. Bộ Lễ được vị lão Thượng thư này chủ quản mới may mắn trở thành Bộ duy nhất trong sáu Bộ không theo phe đảng nào, duy trì thái độ trung lập.

Trần lão Thượng thư không biết thực hư chuyện Việt phi bị phế, chỉ biết qua thánh dụ, lão còn tưởng rằng nguyên nhân do tranh chấp vụn vặt chốn hậu cung. Ông ta đang thật phiền não không biết nên sắp xếp nghi thức tế lễ thế nào thì được Hoàng đế triệu kiến hỏi xem có nên phục vị Phi tử cho Việt thị hay không, đương nhiên sẽ không tỏ vẻ phản đối.

Về phương diện bộ Lễ không ai dị nghị, thậm chí còn cực lực tán thành, nhưng Lương đế vẫn chưa hết phân vân. Đúng vào lúc này, Tạ Ngọc dâng tấu, lấy lý do bẩm báo quân tình phía Bắc, vào cung thỉnh gặp. Lương đế không biết mối quan hệ giữa Tạ Ngọc và Thái tử, nghĩ ông ta là một quân nhân trung lập nên liền triệu kiến, tham khảo một chút ý kiến của ông ta về việc phục hồi phong hào cho Việt thị.

Tạ Ngọc ngẫm nghĩ một chút, đáp: “Thần nghĩ, Thái tử hiền đức cũng một phần nhờ công Việt thị, sống trong thâm cung nhiều năm, trước nay nương nương đối với Bệ hạ chăm lo chu đáo, chưa bao giờ mắc phải sai lầm, chỉ vì mấy chữ vô lễ mà bị giáng từ nhất phẩm Quý phi xuống thành Tần thật sự quá nặng, lúc ấy đã có vài dị nghị, chẳng qua đây là việc nhà của Bệ hạ nên không ai dám xen vào. Hiện thánh tâm Bệ hạ nghĩ lại, có ý khai ân, chỉ còn thiếu một đạo ý chỉ, có gì phải lo nghĩ?”

“Ôi, ngươi không biết đâu,” Lương đế bất đắc dĩ nói, “Việt thị bị định tội vì một nguyên nhân khác… Nàng vì Thái tử, trong cung đã có thái độ khinh bạc Nghê Hoàng, trẫm lo nếu đặc xá, tướng sĩ Nam Cảnh sẽ cảm thấy bất mãn…”

Tạ Ngọc vờ cúi đầu trầm ngâm, nghĩ nghĩ một lúc lâu mới từ từ bước lên phía trước, thấp giọng nói: “Nếu vậy, thần nghĩ… càng nên đặc xá…”

Lương đế ngẩn ra: “Ý ngươi là sao?”

“Kính thỉnh Bệ hạ nghĩ lại, Việt thị là Hoàng Quý phi, mẹ đẻ của Thái tử, bà là chủ tử, Quận chúa Nghê Hoàng là con gái của Phiên thần, võ quan triều đình, nàng là thần tử. Nếu chỉ vì sai lầm nhất thời này mà mang oán hận, đây không phải là đạo thần tử. Cho dù quận chúa công cao, hưởng nhiều ưu ái, nhưng Bệ hạ cũng đã vì nàng giáng tước Hoàng Quý phi, xử phạt Thái tử, đó đã là một ân sủng quá lớn. Nếu Quận chúa là thần tử trung thành càng nên thỉnh Bệ hạ đặc xá Việt thị. Đương nhiên… Con gái không khỏi thiếu chút khí phách, lo lắng chưa chu toàn, cho nên chưa kịp thỉnh chỉ. Song nghi thức tế lễ cuối năm là sự kiện trọng đại quốc gia, phục vị Quý phi cho Việt thị là vì an khang của đất nước, dân chúng cùng hòa thuận vui vẻ, bên nào nặng, bên nào nhẹ đã quá rõ ràng. Bệ hạ chỉ cần phái một nội sứ đến Mục vương phủ giải thích dăm ba câu là ổn. Ân sủng quá dày, không tránh khỏi họ sẽ kiêu ngạo.” Tạ Ngọc nói tới đây, trên mặt lộ ra ý cười sâu xa, “Thần xuất thân quân ngũ, đương nhiên hiểu rất rõ tối kị trong quân chính là ỷ công ngạo chủ, Bệ hạ nên chèn ép một chút mới được.”

Lương đế cau mày, mặt chưa lộ phản ứng, chỉ hừ một tiếng nói: “Nghê Hoàng không phải người như thế, ngươi đừng quá cả nghĩ.”

Tạ Ngọc vội vàng tỏ thái độ sợ hãi, luôn miệng tạ tội: “Thần không dám ám chỉ Quận chúa Nghê Hoàng. Chẳng qua muốn nhắc nhở Bệ hạ một câu mà thôi. Nhớ năm xưa quân Xích Diễm đi đến kết cục đó cũng bởi vì không kịp sớm khống chế…”

Quai hàm Lương đế giật giật, bàn tay bất giác nắm chặt tay vịn long ỷ, lặng thinh nửa khắc, lạnh lùng phán: “Truyền Kim môn Đãi chiếu [1].”

[1] Kim môn Đãi chiếu: Một chức vị thời phong kiến, chuyên thảo thánh chỉ cho Hoàng đế.

Tuyên triệu Đãi chiếu chắc chắn là muốn hạ chỉ. Thái tử nhất thời không kiềm chế được, trên mặt vừa lộ vẻ phấn khởi đã bị Tạ Ngọc kín đáo lừ mắt, hắn vội thu hồi cảm xúc.

“Việc thần muốn tấu hôm nay không phải việc quan trọng,” Tạ Ngọc khom người nói, “Nếu Bệ hạ có chuyện riêng cần xử lý, vi thần xin phép cáo lui.”

“Ừ.” Lương đế khoát tay cho hắn lui đi, bản thân uể oải nằm ngửa ra ghế, dùng tay gối đầu. Thái tử nhanh nhảu sai người mang tới một chiếc gối mềm, đích thân đỡ Lương đế tựa đầu lên.

“Ngươi không cần ở đây hầu hạ. Hôm nay trẫm sẽ tuyên chỉ… phục vị cho mẫu thân ngươi… yên tâm đi…” Lương đế thở dài, lẩm bẩm nói.

“Nhi thần tạ long ân phụ hoàng.” Thái tử dập trán chạm đất, khấu đầu ba cái, nói “Kính mong phụ hoàng yên tâm, đêm nay con sẽ đích thân tới Mục vương phủ…”

“Không cần,” Lương đế khoát tay, trịnh trọng nhìn hắn, “Đến khi nào ngươi mới không quên, ngươi chính là Thái tử, là Đông cung Thái tử! Ngươi không cần đi Mục vương phủ, trẫm sẽ phái người khác đi.”

“Vâng ạ.” Thái tử không dám phản bác, chỉ cúi đầu, dập đầu lạy lần nữa rồi đứng dậy thong dong rời đi.

Bên ngoài gió lạnh căm căm, Thái tử nhanh chóng khoác tấm áo lông cừu do thái giám đưa tới, kéo áo phủ đầu, đi bộ theo hướng cửa cung. Kỳ thật hắn đứng đầu Đông cung, vốn dĩ có đặc quyền ngồi xe đi lại nội cung, nhưng vì muốn tỏ ra cung kính, xe kiệu của Đông cung thường chờ ở ngoài cửa điện, nhóm người hầu chờ đợi trong gió tuyết, vừa thấy chủ tử đi ra, vội vàng chạy tới đón.

“Về nội cung!” Phân phó mấy câu đơn giản, Thái tử lập tức nhảy lên xe kiệu Hoàng Cái, cử chỉ gấp rút, dường như có chút sợ lạnh.

Tấm màn kiệu màu vàng thêu thổ cẩm vừa hạ xuống, ngăn chặn toàn bộ thế giới bên ngoài, Đông cung Thái tử đột nhiên nghiến chặt răng, ánh mắt trầm tĩnh dao động, sắc mặt lộ ra một chút cay đắng, như thể nỗi oán hận tích tụ trong lòng bấy lâu cuối cùng vẫn không thể đè nén hoàn toàn.

“Thái tử ư? Ta là Thái tử ư? Phụ hoàng, nếu thật sự người xem nhi thần là Thái tử, tại sao lại yêu thương Dự vương, từng bước nâng đỡ hắn trở thành địch thủ của nhi thần?”

/56